Hiểu về viêm nội mạc tim nhiễm khuẩn
Viêm nội mạc tim nhiễm khuẩn là nhiễm khuẩn niêm mạc tim (màng trong tim) hay van tim. Nhiễm khuẩn thường do một số loại vi khuẩn gây ra. Nhưng các mầm bệnh khác chẳng hạn như nấm cũng có thể là nguyên nhân. Người ta chưa rõ có vi-rút gây ra viêm nội mạc tim hay không.

Viêm nội mạc tim nhiễm khuẩn gây ra các vấn đề như thế nào?
Viêm nội mạc tim nhiễm khuẩn bắt đầu khi vi khuẩn hoặc một loại mầm bệnh khác xâm nhập vào dòng máu. Khi vi khuẩn tuần hoàn trong dòng máu, các cấu trúc bên trong tim cũng tiếp xúc với vi khuẩn. Có 4 van trong tim. Những van này giúp máu lưu thông qua tim đúng chiều. Các vi khuẩn có xu hướng gắn vào những van này hoặc cấu trúc đỡ xung quanh và gây tổn thương. Điều này có thể dẫn đến suy van và suy tim. Hơn nữa, khi vi khuẩn tiếp tục phát triển trong tim, chúng có thể trở lên đủ lớn để hình thành các cục vi khuẩn được gọi là sùi. Những sùi này có tác dụng như kho chứa vi khuẩn và có thể tiếp tục giải phóng vi khuẩn vào dòng máu. Đôi khi những sùi này có thể vỡ ra và di chuyển đến một bộ phận khác của cớ thể. Điều này có thể chặn dòng máu và khiến bộ phận khác của cơ thể nhiễm vi khuẩn.
Nguyên nhân gì gây ra viêm nội mạc tim nhiễm khuẩn?
Bình thường, vi khuẩn sống trên và trong cơ thể quý vị. Ví dụ, chúng sống trên da hoặc trong miệng quý vị. Nhưng đôi khi vi khuẩn có thể xâm nhập vào dòng máu quý vị. Điều này có thể xảy ra sau một thủ thuật hoặc xét nghiệm y khoa hay nha khoa. Vi khuẩn có thể di chuyển đến tim quý vị. Chúng có thể sinh sống trong niêm mạc tim hoặc trên các van tim. Điều này xảy ra thường xuyên hơn ở những người có một số vấn đề về tim hoặc van tim. Nó hiếm khi xảy ra ở những người không có vấn đề gì về tim.
Quý vị dễ có nguy cơ bị viêm nội mạc tim nhiễm khuẩn hơn nếu quý vị có hoặc đã có bất kỳ:
-
Dị tật tim chẳng hạn như những dị tật có sẵn khi sinh (bẩm sinh)
-
Bệnh về van chẳng hạn sa van hai lá, hoặc tổn thương do nhiễm khuẩn (bệnh tim thấp khớp)
-
Phẫu thuật để thay thế van tim bị tổn thương
-
Có tiền sử viêm nội mạc tim
-
Sử dụng ma túy trong tĩnh mạch (IV)
-
Các vấn đề về răng hoặc nhiễm trùng miệng
-
Lọc máu do suy thận
-
Ống thông trong tĩnh mạch (IV) hoặc mạch máu (trong mạch) cho một thủ thuật y khoa
-
Hệ miễn dịch yếu do HIV hoặc hóa trị
Các triệu chứng của viêm nội mạc tim nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn có thể bắt đầu đột ngột với các triệu chứng nghiêm trọng (viêm nội mạc tim cấp). Hoặc có thể bắt đầu chậm hơn và ít nghiêm trọng hơn (viêm nội mạc tim bán cấp). Các triệu chứng có thể bao gồm:
-
Các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, đau cơ và khớp, và đau đầu
-
Mệt mỏi mạn tính
-
Sút cân
-
Chán ăn
-
Khó thở
-
Ho
-
Buồn nôn và ói mửa
-
Các thay đổi trên da, chẳng hạn tái đi và đau trên các ngón tay hoặc ngón chân
-
Các đốm đỏ li ti trên da, dưới móng tay, trên lòng trắng mắt, và bên trong miệng
-
Có máu trong nước tiểu
-
Sưng bàn chân, chân, hoặc bụng
-
Sốt từ 100,4°F (38°C) trở lên
Chẩn đoán viêm nội mạc tim nhiễm khuẩn
Nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của quý vị sẽ xem xét các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của quý vị. Họ sẽ cho quý vị khám thực thể. Họ sẽ lắng nghe tim của quý vị và có thể nghe âm thanh bất thường (tiếng thổi tim). Quý vị cũng có thể được làm các xét nghiệm như:
-
Cấy máu hoặc cấy nước tiểu. Xét nghiệm này để kiểm tra nhiễm khuẩn trong mẫu máu hoặc nước tiểu.
-
Xét nghiệm máu khác. Có thể làm rất nhiều các xét nghiệm máu khác. Ví dụ, quý vị có thể làm Công thức máu toàn bộ (CBC).
-
Siêu âm tim (tiếng dội). Xét nghiệm này sử dụng sóng âm để nhìn van tim và máu di chuyển qua tim. Xét nghiệm này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng đầu dò ép lên thành ngực hoặc bằng cách đưa đầu dò qua miệng vào thực quản.
-
Điện tim đồ (ECG). Xét nghiệm này để kiểm tra nhịp tim của quý vị.
-
Chụp X quang ngực. Được thực hiện để tìm kiếm các vấn đề trong phổi quý vị.
© 2000-2025 The StayWell Company, LLC. All rights reserved. This information is not intended as a substitute for professional medical care. Always follow your healthcare professional's instructions.